More

    Airdrop Coin là gì? Hướng dẫn làm Airdrop hiệu quả

    Kiến thức cơ bản về Airdrop. Cách làm Airdrop hiệu quả cũng như những nhược điểm và sai lầm thường gặp.

    Phần đông chúng ta khi tìm hiểu về thế giới Crypto đều vì hai chữ “kiếm tiền”. Lợi nhuận trong thị trường này có thể đến từ nhiều cách, từ dễ đến khó, từ hệ sinh thái này đến hệ sinh thái khác. Bài viết hôm nay sẽ không phân tích chung chung, mà đi sâu vào một phương pháp mà ai cũng rất thích, nhưng không phải ai cũng sẵn sàng làm – Airdrop Coin.

    Airdrop Coin là gì?

    Airdrop Coin là hình thức tặng miễn phí lợi nhuận cho người dùng, cụ thể lợi nhuận ở đây là coin hoặc token. Nhưng có bao nhiêu hình thức Airdrop? Và dù rằng Airdrop gần như là miễn phí, nhưng vẫn có nhiều trường hợp người dùng lại “thích” nhưng không dám “nhích”?

    Những phần dưới đây sẽ giúp bạn giải đáp tất cả các thắc trên.

    So sánh Airdrop với Bounty

    Rất nhiều người nhầm lẫn giữa Airdrop với Bounty. Thật ra thì không có một ranh giới rõ ràng lắm khi đặt Airdrop và Bounty lên bàn cân. Nhưng có thể hiểu sơ bộ:

    • Bounty là chúng ta làm một việc gì đó để kiếm tiền.
    • Airdrop là khoảng tiền bất ngờ “rơi” vào túi.

    Cụ thể, Bounty đúng nghĩa là “săn tiền thưởng”, khi chúng ta cần phải làm những việc mà dự án yêu cầu, đổi lại là dự án sẽ trao một số tiền (hoặc token) cho công sức mà bạn bỏ ra. Các việc này thường là: Tìm lỗi; tham gia cuộc thi vẽ tranh, sáng tạo nội dung;…

    Còn với Airdrop, đó là chúng ta trải nghiệm dự án với tâm lý “cầu may” rằng dự án sẽ có kế hoạch thưởng cho người dùng tham gia với dự án sớm. Nên gần như là chúng ta không thể biết được dự án có thật sự Airdrop hay không.

    Các hình thức Airdrop Coin phổ biến

    Dựa trên những gì mình thu thập được, Crypto hiện đang có các cách nhận Airdrop sau:

    Retroactive

    Retroactive là hình thức dự án airdrop coin cho người dùng đã ủng hộ, sử dụng hoặc đóng góp ý kiến cho việc phát triển của sản phẩm trong quá khứ, airdrop này thường được thưởng cho người dùng dưới dạng token của chính dự án đó.

    Hình thức này chỉ phổ biến khi Uniswap bắt đầu Airdrop UNI – token của Uniswap cho người dùng đã từng tương tác với dự án. Vào thời điểm đó, UNI vừa được phân phối đến ví người dùng xong là được list Binance với giá khoảng $3-4, nên một ví sẽ nhận được tầm $1,600.

    Sau đó là đến 1Inch với hai lần Airdrop coin cho người dùng có tham gia giao dịch, hoặc cung cấp thanh khoản cho dự án. Cả hai lần đều cho một lượng token khoảng 600 1INCH với giá trị tầm $1,700 cho lần 1 và tầm $2,400 cho lần 2.

    Mục đích của cách này là token sẽ được phân phối đến đúng người dùng, vì các token này đa phần đều có mục đích quản trị, nên phải là người dùng thực thụ, thì khả năng cao là họ sẽ giữ lại và đóng góp xây dựng dự án.

    Hold & Stake coin

    Token chủ ở đây mình nói đến có thể là Native token của các Blockchain, hoặc các token ở lớp nền mà các dự án Airdop xây dựng ở trên. Với cách này, người dùng không cần phải thực hiện bất kì hoạt động gì, chỉ cần sở hữu các token hợp lệ, thì sẽ được Airdrop.

    Một số trường hợp có thể kể đến là:

    • LUNA: Bạn hold LUNA và Stake, sẽ nhận được Airdrop đến từ các dự án mới xây dựng trên hệ sinh thái Terra. Tính đến nay, con số dự án Airdrop xác nhận sẽ tặng token cho LUNA holders đã lên đến 14. Và dĩ nhiên, con số này vẫn chưa dừng lại.
    • CRV: Chính xác hơn là veCRV – token được tạo ra từ việc khóa CRV. Người dùng có veCRV sẽ nhận được EPS, token của Ellipsi, bản fork của Curve, và nhận được sự hỗ trợ từ Curve.
    • SNX: Những dự án xây dựng trên Synthetix sẽ Airdrop cho người dùng Stake SNX trong tương lai. Mở đầu là 3 dự án: Lyra, Thales và Aelin.

    Có thể thấy rõ, trong quá khứ, chúng ta đã có các trường hợp Airdrop cho token holder như BTC, TRX,… Nhưng gần đây, trend này đã được tái hiện lại nhưng ở phiên bản cao hơn, đó là phải Stake mới nhận được Airdrop.

    Cách làm này sẽ giúp token chủ lưu thông ở bên ngoài giảm xuống, dẫn đến biến động giá sẽ tích cực hơn, hay nếu là Native token của Blockchain thì sẽ giúp tăng cường bảo mật.

    Làm các nhiệm vụ

    Ngoài các cách thức trên, bạn cũng có thể tham gia những cách sau để nhận coin/token từ các dự án:

    • Trả lời câu hỏi: Nổi bật ở mảng này là Coinmarketcap.
    • Tham gia các cuộc thi: Tham dự các cuộc thi như top trading volume ở các sàn cũng sẽ nhận được Airdrop.
    • Điền form: Cách này được rất nhiều dự án áp dụng và nhiều người tham gia vì rất đơn giản, chỉ cần điền vào form và chờ kết quả, như airdrop SOS của Solstarter chẳng hạn.

    Nhược điểm của Airdrop Coin

    Dù rằng Airdrop Coin là một trong những cách kiếm tiền gần như là “sure win”, tức là bạn không hề mất tiền, nhưng không thể phủ nhận vẫn có một số bất cập nhất định liên quan đến:

    • Tốn thời gian: Không thể phủ nhận, các dạng Airdrop yêu cầu người dùng trải nghiệm sản phẩm đa phần buộc người dùng tốn một lượng thời gian nhất định để thử hết tất cả các tính năng.
    • Thiếu minh bạch: Chính vì những token được phân phối miễn phí, và gần như không có cách nào kiểm tra được hoạt động của team, nên gần như việc dự án không thật sự phân phối đúng theo quy định ban đầu cũng là điều có thể xảy ra.
    • Không có giá trị lớn: Một số dự án xác nhận luôn sẽ có Airdrop coin/token cho những hoạt động cụ thể, nên sẽ có một lượng lớn người dùng tham gia, chưa kể mỗi người sẽ dùng nhiều ví. Điều này dẫn đến số lượng token của mỗi ví sẽ bị chia nhỏ, từ đó số tiền thu lại được dành cho người dùng chơi ít ví sẽ rất thấp.
    • Dễ gặp lừa đảo: Vì đây là một trong những cách kiếm tiền đươc nhiều người ưa chuộng, nên sẽ không tránh khỏi việc “mất tiền oan”. Điển hình như dụ người dùng click vào link scam, yêu cầu cung cấp Private Key/Passphrase,… Nên bạn PHẢI CHÚ Ý kỹ những đường link mình chuẩn bị bấm vào tiếp theo.

    Dĩ nhiên đây vẫn chưa phải tất cả, nếu bạn còn bắt gặp những bất cập khác, hãy chia sẻ ở phần bình luận nhé!

    Hướng dẫn làm Airdrop Coin hiệu quả

    Chuẩn bị

    Tùy theo “đề bài” là gì mà chúng ta cần chuẩn bị tương ứng. Nhưng đa phần là bạn phải có ví Multi-chain, nghĩa là bất cứ chain nào đều phải có ví, kèm với ít coin của Blockchain đó làm phí giao dịch.

    Nếu ở dạng Testnet, thì anh em cũng cần có coin của mạng lưới Testnet, như ETH ở mạng Kovan, Rinkeby,…

    Ngoài ra là kiến thức cơ bản về cách sử dụng các sản phẩm DeFi.

    Tìm kiếm thông tin

    Nếu bạn đã đọc nội dung phần trên chắc cũng thấy, thông tin sẽ có hai dạng: Đã xác nhận và chưa xác nhận.

    • Đã xác nhận nghĩa là dự án có thông báo về việc Airdrop cho người dùng đủ điều kiện nào đó, và cho thêm một khoảng thời gian để hoàn thành điều kiện. Nhưng đổi lại thường là giá trị thấp vì ai cũng làm.
    • Chưa xác nhận nghĩa là dựa vào kinh nghiệm của mình, tìm những dự án chưa có token, tham gia trải nghiệm và hy vọng rằng sẽ có Airdrop. Dạng này sẽ có lợi nhuận cao, vì ít người làm. Nhưng đổi lại là khó để tìm ra các dự án này.

    Thực hiện nhiệm vụ

    Bước này đòi hỏi bạn sử dụng đến phần “chuẩn bị” cuối cùng ở trên: Kiến thức. Bạn cần biết cơ bản một dự án làm về mảng nào sẽ có những gì, ví dụ như Lending sẽ có vay và mượn, DEX sẽ có Swap và cung cấp thanh khoản.

    Sau khi đã biết rõ thì cứ làm hết những gì được cung cấp bởi dự án. Trong một số trường hợp, dự án sẽ có sẵn bài viết hướng dẫn người dùng cách trải nghiệm.

    Chờ kết quả

    Tương tự như mục Thu thập thông tin, nếu đã có thông tin trước đó, thì cứ chờ đến ngày công bố kết quả thì sẽ biết chúng ta có trúng hay không.

    Trong trường hợp còn lại, bạn phải đợi đến khi có thông báo chính thức, hoặc ít nhất là bắt đầu thông báo ra mắt token. Nếu sau khi ra mắt token mà vẫn không thấy thông báo nào, chứng tỏ chúng ta đã tìm sai dự án.

    Các tips làm Airdrop Coin “dễ ăn”

    Ở đây người viết sẽ chia ra hai dạng dựa trên vốn. Dĩ nhiên không có điều kiện nào để xếp vào vốn ít hoặc nhiều, tất cả đều do bản thân người đọc tự quyết định.

    Làm Airdrop với vốn ít

    Nếu bạn đặt mình ở dạng này, thì phải cố gắng bỏ nhiều thời gian và công sức để sử dụng các sản phẩm. Rất nhiều dự án có những cách tương tác khá dễ, như AMM chỉ cần swap, hoặc cung cấp thanh khoản. Nhưng những dự án khó hơn – Lending protocol chẳng hạn, đòi hỏi bạn phải bấm nhiều nút hơn, cũng như cần phải có một lượng tiền testnet tùy mạng lưới.

    Nói vậy không phải công sức bỏ ra không xứng đáng. Perpetual Protocol đã từng tổ chức một giải đấu “long-short” testnet, người dùng chỉ cần xin một ít ETH testnet, vẽ chart và vào lệnh. Cuộc thi có tổng cộng 200 slot thắng cuộc, với giải thấp nhất nhận về 100 PERP, với giá hiện tại thì 100 PERP sẽ tương đương với $1,000.

    Ngoài ra, bạn sẽ có được trải nghiệm thật sự của DeFi, sẽ biết mua bán trên AMM diễn ra như thế nào, ức chế với Slippage, gas fee cao, hay thỉnh thoảng bị thanh lý ở các nền tảng Lending,… Đó là một trải nghiệm “tuyệt vời” mà không phải ai cũng biết được. Nhưng từ đó, chúng ta sẽ có nhiều kinh nghiệm hơn khi tham gia các sản phẩm mainnet với tiền tươi thóc thật.

    Làm Airdrop với vốn nhiều

    Theo mình nghĩ, người nhiều tiền thì chắc chắn sẽ thiếu thời gian, nên việc bỏ công làm các testnet gần như không thể, vì chắc gì làm xong đã trúng. Nhưng nếu vẫn muốn có Airdrop, mình đề nghị làm theo cách Hold và Stake token chủ bởi những lý do sau:

    • Đa phần các coin/token chủ đều là những dự án lớn, nên gần như có thể coi như tài sản đầu tư.
    • Chính vì đây là những dự án lớn, nên sẽ thu hút nhiều dự án nhỏ, Airdrop sẽ rất nhiều.
    • Không thể đòi hỏi các phần thưởng này có giá trị cao được, nhưng giả sử có một số dự án thành công vượt trội, thì lợi nhuận thu về rất tốt.

    Như mình đã nói, Airdrop công khai thường có giá trị rất nhỏ cho mỗi ví, nên để kiếm được một khoảng “kha khá”, đòi hỏi bạn phải mua một số lượng lớn token, hoặc mua vốn trung bình thì phải ở vị thế rất đẹp.

    Những sai lầm thường gặp khi làm Airdrop Coin

    Không dự trù được chi phí

    Như mình đã nói, Airdrop không phải lúc nào cũng miễn phí. Quá trình trải nghiệm dự án đôi khi đòi hỏi anh em tốn một khoản phí để thao tác, đặc biệt ở Ethereum với gas fee cao ngất ngưỡng.

    Nếu bạn không nắm rõ được tổng vốn của mình, khả năng rất cao là tham gia test nhiều dự án, nhưng đổi lại là không có dự án nào Airdrop Coin, hoặc số tiền nhận về không xứng đáng với công sức bỏ ra.

    Trải nghiệm nửa vời

    Trải nghiệm nửa vời nghĩa là bạn thao tác quá ít. Ví dụ: Dự án AMM thường không chỉ có Swap, mà còn có cung cấp thanh khoản. Do đó, nếu bạn chỉ lên Swap vài lệnh tượng trưng, thì khả năng cao sẽ không nhận được Airdrop.

    Và nếu bạn có cung cấp thanh khoản, nhưng vừa bỏ vào lại rút ra, thì cũng coi như xác xuất nhận được tiền thưởng rất thấp. Bởi vì việc dự án trao Retroactive cho người dùng là vì họ đóng góp cho sản phẩm, chứ không phải làm cho có để nhận Airdrop. Nên nếu bạn có cung cấp thanh khoản, đừng rút vội.

    Một trường hợp khác, đó là Swap không đủ số lần, hoặc giá trị thấp. Điển hình như Ref Finance có Retroactive cho người dùng vào 8/2021, nhưng điều kiện thì rất ngặt nghèo: Swap trên 7 lần hoặc cung cấp thanh khoản cho 3 Pool.

    Không có quy chuẩn nào xác định chất lượng của các hoạt động như thế nào là đủ, nhưng nhìn chung, nếu có điều kiện, thì hãy làm nhiều lần, với giá trị tương đối, sẽ hạn chế được những trường hợp này.

    Tổng kết

    Airdrop Coin đã và đang trở nên phổ biến hơn bao giờ hết vì đây là một cách Marketing, phân phối token hiệu quả, nhưng cũng kèm vào đó những nhược điểm đã nêu ở trên. Liệu trong tương lai sẽ có thêm những hình thức Airdrop mới nào nữa? Hãy để tương lai trả lời câu hỏi này.

    Most Popular

    Related Posts