More

    Blockchain là gì? Tất tần tật những gì cần biết về Blockchain

    Trong vài năm trở lại đây, Blockchain ngày càng trở nên quen thuộc và được ứng dụng vào nhiều lĩnh vực, vậy Blockchain chính xác là gì?

    Trong vài năm trở lại đây, Blockchain ngày càng trở thành từ khóa quen thuộc, xuất hiện liên tục trên báo đài. Vậy rốt cuộc Blockchain là gì, nó có những ứng dụng nào trong cuộc sống và đầu tư? Hãy cùng Cryptory tìm hiểu rõ hơn về Blockchain trong bài viết này nhé.

    Blockchain là gì? Ai đã tạo ra Blockchain?

    Blockchain (hay chuỗi khối) là sổ cái kỹ thuật số ghi lại tất cả các giao dịch từng được thực hiện của 1 loại tiền mã hóa cụ thể. Blockchain bao gồm nhiều khối riêng lẻ được liên kết chặt chẽ với nhau, mỗi khối đều chứa thông tin về thời gian khởi tạo và được liên kết với khối trước đó, kèm theo đó là một mã thời gian và dữ liệu giao dịch. Khi 1 khối đầy, 1 khối mới sẽ được thêm vào chuỗi.

    Mọi thông tin trong Blockchain được xác nhận bởi hàng loạt máy tính được kết nối trong một mạng lưới chung, dữ liệu đã được mạng lưới chấp nhận thì không thể thay đổi. Hầu như bất cứ thứ gì có giá trị đều có thể được theo dõi và giao dịch trên mạng lưới Blockchain, điều này sẽ giúp giảm rủi ro và chi phí cho những người tham gia.

    Blockchain được tạo ra vào năm 2008 bởi Satoshi Nakamoto và được hiện thực hóa 1 năm sau đó như một phần cốt lõi của Bitcoin. Chính việc ứng dụng Blockchain đã giúp Bitcoin trở thành loại tiền mã hóa đầu tiên giải quyết được vấn đề double spending (chỉ hành vi chi tiêu gian lận khi 1 lượng tiền được giao dịch 2 lần).

    Ưu, nhược điểm của Blockchain

    Ưu điểm:

    • Bảo mật cao: tránh tình trạng sửa đổi, đánh cắp thông tin
    • Dữ liệu không bị mất: Trong mạng Blockchain, nếu chẳng may 1 máy tính bị sập thì cũng không ảnh hưởng đến dữ liệu đã lưu trong mạng.
    • Minh bạch: Các dữ liệu trong mạng Blockchain rất khó để giả mạo, không bị kiểm soát, quản lý bởi 1 bên duy nhất.

    Nhược điểm:

    • Dễ bị hacker nhòm ngó: Tuy rằng có tính bảo mật cao nhưng blockchain vẫn là mục tiêu của rất nhiều hacker.
    • Khó sửa đổi thông tin: Thông tin trên Blockchain rất khó để sửa đổi, đây vừa là ưu điểm vừa là khuyết điểm của công nghệ này.
    • Rắc rối với Khóa riêng tư: mỗi tài khoản Blockchain sẽ có 2 loại khóa là Private Key (khóa riêng tư) và Public Key (khóa chung). Trong khi khóa chung có thể chia sẻ thì khóa riêng tư lại là thứ cần giữ bí mật, nó cho phép người dùng truy cập vào dữ liệu, quỹ tiền của mình. Nếu không may quên mất khóa riêng tư, người dùng chỉ đành chịu mất tiền.

    Các tính chất của công nghệ Blockchain

    Tính bất biến:

    Tính bất biến có nghĩa là không thể thay đổi hoặc không thay đổi được, một khi dữ liệu trong blockchain đã được xác nhận thì không thể bị thay đổi, sửa chữa hay xóa.

    Tính phi tập trung:

    Blockchain hoạt động dựa trên các thuật toán máy tính và không chịu sự quản lý của bất kỳ cơ quan nào. Điều này giúp người dùng kiểm soát trực tiếp tài sản của mình bằng cách sử dụng khóa riêng tư, tránh được nhiều rủi ro từ bên thứ 3.

    Bảo mật nâng cao:

    Mọi dữ liệu trong blockchain đều được băm bằng mật mã, chỉ người dùng có khóa riêng tư mới có thể truy cập dữ liệu trong blockchain.

    Tính phân tán:

    Thông thường một sổ cái công khai sẽ cung cập mọi thông tin về giao dịch và người tham gia. Tất cả người dùng trong mạng lưới đều có quyền truy cập vào sổ cái này nên dữ liệu sẽ được lưu trữ ở nhiều nơi khác nhau.

    Smart contract (Hợp đồng thông minh):

    Để tăng tốc độ giao dịch, một bộ quy tắc, được gọi là Hợp đồng thông minh, được lưu trữ sẵn trên blockchain và sẽ được thực thi tự động. Các giao dịch được thực hiện bằng hợp đồng thông minh không thể bị can thiệp hay đảo chiều.

    Mã Hash của Block

    Cấu trúc của mỗi Block gồm 3 thành phần: Data (các dữ liệu đã được xác thực và lưu trữ trong block), mã Hash và Previous hash.

    Hash: Là mã hàm băm – một hàm mã hóa được tạo thành từ chuỗi các ký tự cùng số ngẫu nhiên và không thể lặp lại, nó đại diện riêng cho block đó.

    Previous Hash: Mã hàm băm của block trước đó.

    Các khối trong 1 chuỗi được nối với nhau bằng cách liên kết Previous Hash của khối mới với mã Hash của khối trước nó. Hay hiểu đơn giản hơn, Previous Hash của khối sau phải trùng khớp với mã Hash của khối liền trước nó, khối đầu tiên trong chuỗi sẽ có Previous Hash bằng 0.

    Cách thức hoạt động của Blockchain

    Đầu tiên, thông tin giao dịch của người dùng được ghi lại trên hệ thống và được truyền đến một mạng lưới các máy tính mạnh mẽ được gọi là nút (hay node). Mạng lưới hàng nghìn nút này sẽ tiến hành xác thực giao dịch của người dùng. Khi giao dịch được xác thực, nó sẽ được ghi lại dưới dạng các khối (block) dữ liệu. Sau đó, các khối mới này sẽ được thêm vào chuỗi (chain).

    Chuỗi (chain) là tập hợp các khối dữ liệu được liên kết chặt chẽ với nhau. Mỗi khối được gắn liền với các khối trước và sau nó, không thể thay đổi các khối hay chèn thêm 1 khối khác vào giữa 2 khối hiện có.

    Thuật toán đồng thuận của Blockchain

    Thuật toán đồng thuận có thể hiểu là một cơ chế mà qua đó một mạng blockchain đạt được sự đồng thuận.

    Một số thuật toán đồng thuật phổ biến:

    Proof of Work (PoW) – Bằng chứng công việc

    Là thuật toán đồng thuận đầu tiên được tạo ra, được sử dụng trên Bitcoin và nhiều loại tiền mã hóa khác. Trong thuật toán này, các thợ đào sẽ giải các bài toán tạo ra mã hash và tranh nhau xác thực giao dịch, tạo ra khối mới trong blockchain.

    Proof of Stake (PoS) – Bằng chứng cổ phần

    Trong Proof of Stake, những người tham gia xác thực giao dịch sẽ phải đặt cọc một lượng coin lớn để giành được quyền xác thực giao dịch và tạo khối. PoS thường được sử dụng trong Cosmos, Ontology…

    Delegated Proof of Stake (DPoS) – Bằng chứng ủy quyền cổ phần

    Được phát triển từ PoS, trong DpoS, người dùng sẽ không đặt cọc để xác nhận giao dịch nữa mà bỏ phiếu uỷ quyền và bầu các đại biểu để xác thực giao dịch. Phần thưởng sau đó sẽ được chia cho những người dùng đã ủy quyền cho nhóm đại biểu thành công dựa trên cổ phần của mỗi người dùng. DPoS được sử dụng bởi Steemit, EOS…

    Byzantine Fault Tolerance (BFT) – Cơ chế đồng thuận chống gian lận

    Trong Byzantine Fault Tolerance, người dùng có quyền quản lý trạng thái của chuỗi, đồng thời chia sẻ thông điệp với một chuỗi khác để có được những giao dịch chính xác và trung thực. Được sử dụng phổ biến trong Stellar, Ripple…

    Most Popular

    Related Posts