More

    Giới công nghệ Trung Quốc chạy đua đầu tư vào metaverse

    Cryptory.net - Trung Quốc là một trong những nước đánh giá cao triển vọng của metaverse và cho rằng vũ trụ ảo sẽ trở thành một xu hướng chiến lược cho công nghệ trong tương lai.

    Metaverse (vũ trụ ảo) đang trên đà phát triển mạnh. Theo Bloomberg, hồi năm 2020, giá trị thị trường của metaverse đã đạt gần 500 tỷ USD và có thể chạm mốc 800 tỷ USD vào năm 2024. 

    Trong thị trường này, mảng game online đóng góp nhiều nhất, chiếm tới một nửa thị phần và nửa còn lại thuộc về truyền thông xã hội, các hình thức giải trí trực tuyến khác như âm nhạc. Các công ty công nghệ lớn ở Trung Quốc như Tencent, Alibaba, ByteDance… đang đổ tiền vào metaverse để đón đầu xu hướng mới không kém Big Tech Mỹ.

    Theo báo cáo đánh giá gửi đến các nhà đầu tư của Morgan Stanley, thị trường metaverse của Trung Quốc ước đạt 52.000 tỷ nhân dân tệ, tương đương 8.000 tỷ USD những năm tới. Và rất có thể Tencent, NetEase, ByteDance hay Alibaba sẽ là những cái tên đi đầu trong lĩnh vực này tại quốc gia tỷ dân.

    Nhiều chuyên gia nhận định Trung Quốc đi sau các quốc gia dẫn đầu trong lĩnh vực này như Mỹ, tuy nhiên nước này đang có những nỗ lực mạnh mẽ nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghệ mới. Tính riêng trong năm 2021, hơn 1.000 công ty Trung Quốc, bao gồm các tên tuổi lớn như Alibaba và Tencent công bố hơn 10.000 nhãn hiệu liên quan đến metaverse.

    Tại sao Trung Quốc thúc đẩy metaverse?

    Khi thành lập Ủy ban cuối năm 2021, lãnh đạo Bộ Khoa học Công nghệ Trung Quốc nhấn mạnh, đây không phải là trend nhất thời, mà là một xu hướng quan trọng phải phát triển. Dư địa phát triển là vô tận, lại đang trong giai đoạn được Chính phủ Trung Quốc tập trung phát triển công nghệ then chốt nhằm cạnh tranh chiến lược với phương Tây nên metaverse hứa hẹn tương lai tươi sáng.

    Nguyên lãnh đạo Viện kinh tế Công nghiệp Trung Quốc, thành viên của Ủy ban đã phác thảo 6 xu hướng chính của metaverse. Đáng chú ý là sự hội nhập sâu rộng giữa nền kinh tế thực và nền kinh tế số; dữ liệu trở thành tài sản cốt lõi; toàn cầu hóa của nền tài chính số phi tập trung.

    Hiện nay Trung Quốc đang dẫn đầu thế giới về cơ sở dữ liệu. Nhờ cơ sở dự liệu mạnh góp phần giúp thương mại điện tử tại đất nước tỷ dân phát triển hàng đầu thế giới. Nhiều ứng dụng trong quản lý xã hội, phòng chống COVID-19 cho hiệu quả cao.

    Chính phủ Trung Quốc từ lâu đã xem dữ liệu là yếu tố sản xuất và đang từng bước xây dựng hành lang pháp lý chặt chẽ để kiểm soát lĩnh vực then chốt này – vốn lâu nay bị các công ty công nghệ lớn chi phối. Nhiều chuyên gia cho rằng, doanh thu khổng lồ từ vũ trụ ảo sẽ quay lại kích thích mạnh mẽ nền kinh tế thực.

    Thị trường metaverse phát triển nhanh chóng

    Nhờ những nỗ lực đầu tư và sự quan tâm của công chúng, ngày càng nhiều công ty Trung Quốc bắt đầu gia nhập thị trường metaverse, từ đó tạo ra những công việc mới.

    Các đô thị cấp 1 như Bắc Kinh và Thượng Hải đang chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ số lượng các công việc liên quan đến metaverse như viết kịch bản và thiết kế đồ họa. Các nhà thiết kế được yêu cầu tạo ra những bối cảnh sinh động và hấp dẫn với người dùng.

    Do có ngày càng nhiều công ty tham gia vào thị trường, sức ép cạnh tranh đang tăng lên, buộc các nhà thiết kế đưa ra nhiều ý tưởng và giải pháp hiệu quả hơn để thu hút khách hàng. Điều này được xem sẽ thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực metaverse ở Trung Quốc.

    Một metaverse trong tầm kiểm soát

    Trung Quốc đã xây dựng dự luật Chống độc quyền, trong khi đã thông qua Luật bảo vệ dữ liệu cá nhân vào tháng 9 năm ngoái. Nước này cũng siết chặt các hoạt động về chơi game, trong đó giới hạn trẻ em tham gia nền tảng trực tuyến. Giới phân tích dự đoán, những quy định này có thể sẽ được áp dụng cho metaverse trong tương lai, cũng như có những quy tắc mới cho mô hình này.

    “Sự đa dạng của các ứng dụng metaverse đồng nghĩa với việc phát triển một bộ chính sách phù hợp cho tất cả sẽ không khả thi”, Hanyu Liu, nhà phân tích tại Daxue Consulting, nhận định. “Mỗi ứng dụng cụ thể cần có một bộ quy định của riêng nó”.

    Ông Liu cũng cho rằng Trung Quốc hiện có một số quy định trùng lặp về quản lý metaverse, nhưng điều đó sẽ sớm biến mất. “Trung Quốc cực kỳ thông minh khi nắm bắt vấn đề. Họ biết rõ khi nào cần siết chặt, khi nào cần theo dõi, nhưng sẽ không gây tổn hại ngành đến mức không thể cứu vãn”, ông nói.

    Vấn đề cuối cùng là thanh toán trong metaverse. Trung Quốc hiện cấm tiền điện tử, trong khi các giao dịch trong vũ trụ ảo cần tới loại tiền này. Dù vậy, nước này cũng đã ra đồng tiền riêng gọi là nhân dân tệ kỹ thuật số hay e-CNY.

    “Có thể người Trung Quốc có rất ít lựa chọn về tiền điện tử”, ông Liu cho hay và nói thêm rằng e-CNY có thể được sử dụng chung trong các ứng dụng thanh toán metaverse.

    Cuộc cạnh tranh trong lĩnh vực công nghệ cao

    Không chỉ những tên tuổi lớn như Tencent hay Baidu, mà cả các công ty nhỏ cũng đang nỗ lực tận dụng cơ hội từ làn sóng metaverse tại Trung Quốc đang lên hiện nay. Corigine, một công ty chuyên về chip tại Thượng Hải là một ví dụ, khi hãng đang nghiên cứu các dòng chip xử lý phục vụ cho thiết bị thực tế ảo.

    “Metaverse có 2 thành phần chính là hạ tầng thiết bị phần cứng và các nội dung, dịch vụ số bên trong. Để đem lại trải nghiệm sống động cho người dùng, phần cứng phải được trang bị các chip xử lý mạnh như của chúng tôi”, ông Hu Kan, Giám đốc sản phẩm, hãng chip Corigine, cho biết.

    Khi các ông lớn thế giới như Meta hay Microsoft cũng chưa hiện diện nhiều, dù đã rót hàng tỷ USD đầu tư, metaverse đang được xem là một trong những “vùng đất mới” mà ngành công nghệ Trung Quốc có thể tạo dựng vị thế. Giới chức Trung Quốc hiện cũng coi metaverse là một trong những lĩnh vực cạnh tranh chính của nền kinh tế số toàn cầu.

    Một số cuộc đua công nghệ khác cũng đang được hâm nóng với sự tham gia của Trung Quốc, tiêu biểu là blockchain và tiền số. Hiện cả Mỹ, châu Âu và Nhật Bản mới chỉ đang ở giai đoạn đầu nghiên cứu về đồng tiền số ngân hàng trung ương, trong khi đồng Nhân dân tệ số đang trong quá trình thử nghiệm rộng rãi.

    “Chương trình thử nghiệm đồng Nhân dân tệ số tại Thế vận hội mùa đông đã chứng kiến hơn 400.000 giao dịch với khoảng 9,6 tỷ Nhân dân tệ được trao đổi. Đây là bài học để chúng tôi thúc đẩy lĩnh vực tài chính thông minh, phục vụ nền kinh tế số hiện đại trong tương lai”, bà Wang Ying, Cơ quan quản lý giám sát hoạt động tài chính Bắc Kinh, đánh giá.

    Cuộc đua công nghệ cũng được thể hiện khi các nước đều đang nỗ lực gia tăng số lượng bằng sáng chế. Theo Tổ chức Sở Hữu Trí tuệ Thế giới, tổng số đơn đăng ký bằng sáng chế trên toàn cầu năm 2021 đã cán mốc gần 280.000, tăng khoảng 1% so với năm trước. Trung Quốc hiện đã dẫn đầu năm thứ 3 liên tiếp với khoảng 70.000 đăng ký và cũng chiếm 13/50 công ty với số lượng đăng ký lớn nhất.

    Cryptory.net tổng hợp.

    Tham gia cộng đồng của chúng tôi để cùng bàn luận và cập nhật những thông tin Crypto mới nhất:

    Most Popular

    Related Posts