More

    Lừa đảo Ponzi, cách nhận diện và phòng tránh

    Tiền ảo là thị trường có tính thanh khoản cao, trong khi pháp lý vẫn chưa rõ ràng ở nhiều quốc gia, khu vực, nên đồng thời cũng là mảnh đất màu mỡ mà nhiều kẻ lừa đảo hướng tới. Một trong những hình thức lừa đảo tiền điện tử phổ biến nhất, có thể kể đến mô hình Ponzi. Như vậy, lừa đảo bằng mô hình Ponzi là gì, làm sao để nhận diện và phòng tránh?

    Ponzi là gì?

    Mô hình Ponzi được đặt theo tên Charles Ponzi hay Carlo Ponzi (phát âm theo tiếng Ý), người đã nổi tiếng với việc áp dụng mô hình này trong năm 1920. Ý tưởng này xuất hiện trong các tiểu thuyết Martin Chuzzlewit năm 1844 và Little Dorrit năm 1857 của Charles Dickens, nhưng Ponzi thực hiện nó trong đời thực và lấy được nhiều tiền đến nỗi mô hình này trở nên nổi tiếng toàn nước Mỹ. Mô hình Ponzi cũng đã du nhập vào Việt Nam trong những năm gần đây, khiến nhiều người bị lừa dẫn đến trắng tay.

    Về cơ bản, mô hình Ponzi là một hình thức lừa đảo đội lốt đầu tư, hoạt động theo cách lấy tiền của người đến sau trả cho người đến trước. Điểm mấu chốt của mô hình này là những người đến sau cùng thường sẽ mất trắng. Do đó, đây còn được gọi là kim tự tháp Ponzi.

    Cách hoạt động

    Một mô hình Ponzi thường sẽ hoạt động theo các bước như sau:

    Sẽ có một thành viên khởi xướng đầu tiên đứng ra quảng cáo về một cơ hội hoặc một dự án nào đó, ai muốn tham gia có thể bỏ tiền đầu tư một khoản bất kỳ, ví dụ là $1000. Kẻ cầm đầu sẽ hứa hẹn với người tham gia rằng họ sẽ nhận lại toàn bộ khoản đầu tư ban đầu kèm theo lợi nhuận khoảng 10% sau một chu kỳ nhất định.

    Nếu người tham gia mời chào thêm được 2 người khác, kẻ lừa đảo sẽ lấy $1100 từ $2000 mới thu được để trả cho người đầu tiên. Như vậy, độ chân thực và khả năng lợi nhuận của dự án đã được bảo đảm trong mắt người đầu tư vừa được nhận tiền, khiến người đó nhiều khả năng sẽ tiếp tục mời gọi, thậm chí là đầu tư thêm 1 khoản tiền mới.

    Quy trình này sẽ tiếp tục lặp lại với những người đầu tư tiếp theo, cho đến khi kẻ lừa đảo không thể tìm thấy thêm người đầu tư mới để lấy tiền của họ trả cho người cũ, hoặc đơn giản là hắn thấy đã đủ và ôm tiền trốn đi, thì mô hình sẽ sụp đổ nhanh chóng, khiến những người vừa tham gia sẽ trở thành tay trắng.

    Ví dụ điển hình

    Tiêu biểu cho mô hình này ở thị trường Crypto là Bitconnect, khi người đầu tư được hứa hẹn sẽ nhận lại lợi tức hàng ngày, và hoàn vốn trong vài tháng. Số tiền cho vay càng lớn, hoàn vốn càng nhanh, sau đó họ sẽ tiếp tục nhận lợi tức và có lãi.

    Lời hứa này được thực hiện và giúp Bitconnect duy trì tới gần 1 năm, khi sụp đổ, nó đã có khoảng 2 tỷ USD vốn hóa thị trường, với giá tầm 320 USD cho mỗi đồng Bitconnect. Chưa đầy 24h sau khi những kẻ đứng sau bỏ trốn, vốn hóa của nó giảm mạnh còn 40 triệu USD.

    Cách phòng tránh

    Một khi đã hiểu được cách thức hoạt động của mô hình Ponzi, thì cách để tránh bị rơi vào cái bẫy này cũng đã hiện ra trước mắt, đó là thận trọng. Mô hình Ponzi đánh vào lòng tham của con người, khi đưa ra những lời mời mọc siêu hời, khiến chúng ta mất cảnh giác và rơi vào bẫy. Bởi vậy, hãy luôn thận trọng, luôn tìm hiểu kỹ lưỡng khi tham gia thị trường Crypto chính là chìa khóa để tránh bị lừa.

    Hãy luôn có một niềm tin rằng, không có món lợi nào sẽ từ trên trời rơi xuống cả. Lợi ích lớn, sẽ luôn đi kèm với rủi ro lớn. Hiểu rõ bản chất của khoản đầu tư. Không đầu tư vào những thứ không nắm rõ. Nghe lời khuyên của người đi trước. Đây là bí quyết để không trắng tay trong thị trường Crypto

    Most Popular

    Related Posts