More

    Lừa đảo trong Crypto, cách nhận thức và phòng tránh

    Với sự phát triển chóng mặt của Blockchain và Crypto như hiện nay, ngày càng nhiều người bắt đầu tìm hiểu về công nghệ và mô hình giao dịch mới này. Lượng người mới đông đảo, tương đương với vô số miếng mồi béo bở cho những kẻ muốn trục lợi bằng cách lừa đảo.

    Dựa trên infographic dưới đây, người viết sẽ tóm tắt lại các hình thức lừa đảo phổ biến, đồng thời cung cấp một số phương thức cơ bản để phòng tránh.

    Các hình thức lừa đảo Crypto phổ biến

    Lừa đảo trên mạng xã hội

    Như cái tên của nó, hình thức lừa đảo này diễn ra trên mạng xã hội, bằng cách quảng cáo về những dự án lừa đảo hoặc giả mạo người nổi tiếng… Hầu hết chúng đều yêu cầu người bị hại gửi cho mình một số tiền nhỏ để nhận về một số tiền lớn hơn. Thậm chí, tài khoản sử dụng để lừa đảo có thể là tài khoản thật của một người nổi tiếng nào đó nhưng đã bị hack. Hãy cẩn trọng trước khi gửi tiền của mình cho người khác.

    Các dự án ICOs giả mạo

    Có một sự thật rằng, 80% các ICO thực hiện vào năm 2017 đã được xác định là lừa đảo. Một trong những dự án phổ biến nhất là Confido, biến mất ngay sau khi quyên góp được $375,000. Khi tin tức bị phát tán, giá token giảm mạnh, những ai trót tin vào dự án này đã phải chịu thiệt hại nặng nề.

    Một vụ lừa đảo ICO thậm chí còn lớn hơn là Centra, đã huy động được $32,000,000 và được hỗ trợ bởi những người nổi tiếng Floyd Mayweather và DJ Khaled. Tương tự vụ trước, sau khi người sáng lập bị bắt, giá token giảm mạnh, nhà đầu tư mất trắng.

    Một số ví dụ khác: GoldUnionCoinPincoin Token.

    Website giả mạo

    Phương thức lừa đảo này thường hoạt động bằng cách sao chép địa chỉ của các website nổi tiếng về Crypto một cách gần đúng, ví dụ như thêm 1 chữ n, hay đổi m thành n…

    Cách lừa đảo này chủ yếu lợi dụng sự bất cẩn của người bị hại. Trong một chớp mắt không để ý, bạn có thể đã bấm vào một đường link giả mạo và mất hết vốn liếng. Lưu ý, kẻ lừa đảo thậm chí có thể lợi dụng Google Ads để quảng cáo cho website giả mạo của mình. Bởi vậy, hãy luôn cẩn trọng hết sức có thể.

    Nguy hiểm và cao tay hơn, nhiều kẻ lừa đảo còn hack DNS để chuyển hướng truy cập từ trang web chính xác sang trang web lừa đảo. Để đề phòng những trường hợp như thế này xảy ra, hãy xác minh chứng chỉ SSL của trang web mà bạn đang truy cập.

    Nếu chứng chỉ SSL không khớp hoặc gặp lỗi, hãy thoát khỏi trang web ngay lập tức.

    Email giả mạo

    Còn được gọi là phishing. Bằng cách gửi cho bạn một bức email với thông tin giả, kẻ lừa đảo sẽ cố gắng lấy được lòng tin của bạn và yêu cầu bạn gửi cho chúng thông tin cá nhân.

    Giả mạo đội ngũ hỗ trợ

    Bằng cách giả danh đội ngũ hỗ trợ của một dự án hoặc một sàn giao dịch lớn, kẻ gian sẽ yêu cầu bạn cung cấp thông tin cá nhân, mật khẩu, thậm chí là Private Key…

    Pumps & Dumps

    Pumps & Dumps là hình thức lừa đảo bằng cách thao túng giá và khối lượng của một đồng tiền. Kẻ lừa đảo với số lượng vốn lớn và những thông tin giả, khiến con mồi tin tưởng rằng đây là dự án tốt và đầu tư vào đó. Khi thời cơ chín muồi, chúng đơn giản là bán phá giá và thu lời.

    Ponzi, Kim tự tháp hay Đa cấp

    Mô hình Ponzi là hình thức dùng tiền của người này để trả cho kẻ khác, bằng cách đi vay với cam kết lợi tức cao và quảng cáo về những tấm gương đã nhận lợi tức trước đó. Người cho vay bị hấp dẫn sẽ tiếp tục giới thiệu những người cho vay mới. Nhờ thế, kẻ đi vay càng ngày càng vay được khoản tiền lớn hơn.

    Tiêu biểu cho mô hình này là Bitconnect. Duy trì hoạt động tới gần 1 năm, khi sụp đổ, nó đã có khoảng 2 tỷ USD vốn hóa thị trường, với giá tầm 320 USD cho mỗi đồng Bitconnect. Chưa đầy 24h sau khi những kẻ đứng sau bỏ trốn, vốn hóa của nó giảm mạnh còn 40 triệu USD.

    Bitconnect thành công nhờ hoạt động tiếp thị cực tốt, với lời hứa về lợi tức được trả từng ngày, giúp người cho vay hoàn vốn chỉ sau vài tháng, sau đó là cứ thế sinh lãi. Trước món lợi lớn, nhiều người sập bẫy và gần như mất trắng khi tất cả ngã ngũ.

    Malware và Crypto Mining

    Đều là phần mềm độc hại, được cài vào do sự bất cẩn của người sử dụng, nhưng Malware và Crypto Ming hoạt động theo 2 hình thức khác nhau.

    Với Malware, sau khi cài đặt, chúng sẽ đánh cắp thông tin cá nhân của người dùng, bao gồm mật khẩu hoặc tiền.

    Với Crypto Mining, chúng sẽ bí mật sử dụng tài nguyên của máy tính để khai thác tiền điện tử tại mạng khai thác phi tập trung. Sau khi dính độc, máy tính của người dùng ngốn nhiều tài nguyên hơn, khiến máy chạy chậm, tốc độ quạt tăng cao…

    Giả mạo sàn giao dịch hoặc app

    Một số sàn hoặ app giao dịch chỉ được xây dựng nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản của người sử dụng. Một khi đặt niềm tin nhầm chỗ và sử dụng các sàn này, tài sản của người dùng sẽ bốc hơi trong chớp mắt.

    Nói tóm lại, phần lớn các hình thức lừa đảo đều hoạt động bằng cách mạo danh và lợi dụng lòng tham cũng như sự bất cẩn của nạn nhân. Bởi vậy, cẩn trọng và tỉnh táo luôn là phương thức tốt nhất để tránh mắc lừa. Dưới đây, người viết sẽ liệt kê cách nhận biết các phương thức lừa đảo thường thấy cũng như cách phòng tránh:

    Nhận biết lừa đảo và cách phòng tránh

    Hứa hẹn mang lại lợi nhuận khủng

    Tốt quá hóa dở. Hãy luôn đặt ra nghi vấn cho những dự án hứa hẹn mang tới lợi nhuận khủng một cách (tương đối) dễ dàng. Khi cần thiết, hãy hỏi xin thêm ý kiến từ những người có kinh nghiệm hơn.

    Mời thêm nhiều người dùng

    Hãy cẩn trọng vì đây có thể là dạng dự án Ponzi như Bitconnect đã được đề cập ở trên.

    Hỏi thông tin mật

    Hãy từ chối ngay những cá nhân hay dự án nào yêu cầu các thông tin cá nhân như mật khẩu hay Private Key của bạn.

    Cách đánh giá tính hợp pháp của dự án Crypto

    Độ uy tín

    • Có đầy đủ tên và gương mặt liên quan đến dự án không?
    • Họ có LinkedIn đang hoạt động hoặc các hồ sơ mạng xã hội khác không?
    • Whitepaper là bản gốc hay là bản sao của một whitepaper khác?
    • Có quan hệ đối tác được xác nhận với các công ty khác không?
    • Dự án có lộ trình, sản phẩm hoạt động hay chỉ là ý tưởng?
    • Họ có phải là công ty đã đăng ký và thành lập không?

    Hoạt động

    • Nếu dự án đã bị bỏ dở, thì nó không xứng đáng với thời gian và tiền bạc của anh em.
    • Mọi người nói gì trên các kênh mạng xã hội về dự án này?
    • Nhóm có tương tác với cộng đồng không và thái độ của họ như thế nào?

    Công nghệ

    • Không phải mọi thứ đều cần đến blockchain.
    • Dự án có cần blockchain hay vấn đề có thể được giải quyết bằng cơ sở dữ liệu cổ điển không?
    • Công nghệ đằng sau dự án này có thực sự giải quyết được vấn đề không?
    • Có dự án nào khác đang cố gắng giải quyết vấn đề tương tự không?

    Lịch sử

    • Dự án có mục tiêu rõ ràng không?
    • Nhóm đã hoàn thành các thời hạn trong quá khứ và đạt được các mục tiêu đã nêu trong lộ trình?
    • Nhóm có gặp sự cố nào trong quá trình phát triển không và họ đã xử lý như thế nào?
    • Có bao giờ token đã qua một lần bơm và bán trước đây không?
    • Có thay đổi nào gần đây về cấu trúc của Team không?

    Kết luận

    Trong khi có rất nhiều trò gian lận, âm mưu và thủ phạm của các hoạt động gian lận khác nhau trong thế giới tiền điện tử, thì cách tiếp cận tốt nhất là tiến hành với mức độ hoài nghi và thận trọng hợp lý. Bất chấp số lượng các dự án lừa đảo, vẫn còn có vô số các dự án & nhóm có uy tín và đang hoạt động tốt khiến cho việc đầu tư vào tiền điện tử trở nên đáng giá.

    Cũng như nhiều thứ trong cuộc sống, thận trọng là cách tốt nhất. Vì vậy, bất cứ khi nào anh em truy cập một trang web mới, thấy điều gì đó quá tốt, dễ dàng, hoặc đang lưu trữ và được yêu cầu truy cập thông tin bằng khóa riêng (Private Keys) của mình, hãy dừng lại và cân nhắc rằng “Liệu mình có gặp rủi ro không?”.

    Most Popular

    Related Posts