More

    Stake là gì? Cách kiếm lợi nhuận từ Staking

    Stake là cách thu hoạch lợi nhuận một cách lâu dài và khá an toàn nếu đủ am hiểu

    Khi nhắc tới thế hệ Blockchain 1.0 đầu tiên là Bitcoin, sau đó đến đại diện thế hệ 2.0 tiếp theo là Ethereum, chúng ta đều quen thuộc với cụm từ PoW (Proof of Work) hay bằng chứng công việc. Đây được hiểu là cách xác thực các giao dịch bên trong mạng lưới Blockchain bằng cách sử dụng sức mạnh tính toán để xử lý các bài toán. Trong đó, các máy tính cấu hình cao, đắt tiền thường được sử dụng cho việc này.

    Năm 2011 chúng ta lần đầu tiên nghe nói tới khái niệm Proof of Stake (PoS) thông qua cuộc thảo luận trên Bitcointalk. Tới 2012, dự án Peercoin là người tiên phong áp dụng thuật toán đồng thuận Proof of Stake. Và cho tới nay, thuật ngữ PoS – Proof of Stake hay còn gọi là Bằng chứng cổ phần đã rất phổ biến trong thị trường Crypto. Nó được coi là cơ chế đồng thuận của tương lai, sẽ thay thế cho PoW vốn yêu cầu cao về cấu hình phần cứng và tiêu tốn năng lượng.

    Như vậy, Staking (Proof of Stake) là gì? Và làm thế nào để kiếm được lợi nhuận từ việc Staking?

    I – Staking là gì?

    Staking là hành động giữ và khóa một lượng coin nhất định để nhận được phần thưởng từ chúng. Lượng coin này có thể được khóa trong ví hoặc các nút của một dự án Blockchain trong một khoảng thời gian. Phần thưởng sẽ dựa trên công sức người dùng đã bỏ ra bao gồm: lượng coin stake & thời lượng stake.

    Proof of Stake là thuật toán đồng thuận trong Blockchain. Trong đó, những người tham gia sẽ stake coin (đặt cược coin) của họ vào mạng lưới Blockchain để xác thực giao dịch và tạo khối mới. Phần thưởng (gồm phần thưởng khối và phí giao dịch) sẽ được trao cho những người tham gia PoS để làm động lực cho các đóng góp của họ.

    Lưu ý, cần phân biệt Staking trong cơ chế đồng thuận PoS và Staking để nhận thưởng. Với Staking để nhận thưởng (Airdrop chẳng hạn), việc Staking này không trực tiếp tham gia vào việc xác thực các giao dịch hay bất cứ nhiệm vụ gì liên quan tới các hoạt động trong mạng lưới. Nó khá tương tự với mô hình gửi tiền ngân hàng nhận lãi suất ngoài đời.

    Staking trong cơ chế đồng thuận PoS tức là đặt cược 1 lượng coin nhất định để đảm bảo cho 1 nhiệm vụ nào đó. Trong cơ chế PoS, bạn stake coin để đảm bảo, chứng minh năng lực xử lý giao dịch và tạo khối của mình, đồng thời nhận được phần thưởng với công sức bỏ ra. Việc Staking này tác động trực tiếp tới mạng lưới Blockchain.

    II – Lợi ích của Staking

    1. Đối với cá nhân tham gia Staking

    Người tham gia Staking sẽ nhận được những lợi ích trực quan sau đây:

    Tạo nguồn thu nhập thụ động & tăng lượng coin trong thời gian Staking: Thay vì việc để trên các sàn giao dịch mà không gia tăng thêm số coin, bNạn có thể đưa vào stake và nhận thêm số coin trong quá trình stake đó.

    Tiết kiệm chi phí so với cơ chế PoW:  Với PoS, bạn không cần nhiều máy tính để chạy Nodes mà gần như chỉ cần 1 máy và cài đặt 1 lần. Việc còn lại là tăng số lượng coin Staking bên trong đó. Việc này khác biệt và tiết kiệm hơn nhiều so với việc PoW – cần nhiều máy tính cấu hình cao để đào được càng nhiều.

    An toàn: Việc Staking được thực hiện an toàn vì có bản backup.

    Có thể tính toán: Trước khi tham gia stake, bạn hoàn toàn có thể tính toán lợi nhuận mà mình thu được sau khi stake, hay nếu bỏ stake giữa chừng thì mất bao lâu để nhận được coin…

    2. Đối với các dự án

    Lợi ích của việc Staking đối với các dự án:

    • Staking trong PoS chính là hình thức để các Blockchain nền tảng tạo tính phi tập trung cho mạng lưới của họ. Quyền lực và sức mạnh của mạng lưới lúc này sẽ được chia cho những người tham gia (Node, Masternodes…).
    • Tận dụng được nguồn lực bên ngoài cùng tham gia vận hành mạng lưới thông qua các Nodes.
    • Tạo động lực (Incentives) tham gia mạng lưới: Việc tham gia stake và nhận được phần thưởng sẽ giúp những người tham gia duy trì hoạt động của họ.
    • An toàn cho mạng lưới: Để thực hiện các vụ tấn công, các hacker phải nắm giữ sức mạnh 51% của mạng lưới. Việc phân tán sức mạnh đó ở các nodes khác nhau sẽ khiến cho việc gom sức mạnh của chúng để tạo các cuộc tấn công là điều gần như bất khả thi.
    • Tác động phần nào tới giá cả của coin: Lượng coin mang đi stake sẽ bị lock trong khoảng thời gian đó. Có nghĩa là số coin này không thể tham gia lưu thông, mua bán trên các sàn giao dịch. Vì vậy, nó khiến cho lượng coin lưu thông trên thị trường giảm đi, đồng nghĩa với việc độ hiếm của coin tăng lên, kéo theo giá tăng.

    III – Rủi ro khi Stake

    Staking là hình thức đầu tư đem lại lợi nhuận đều đặn, nhưng chúng cũng có những rủi ro nhất định:

    Trong suốt thời gian Staking, lượng coin tham gia stake bị khoá lại.

    Bạn sẽ không thể thực hiện bất kỳ việc mua/bán hay trading nào với lượng coin này. Việc un-stake sẽ khiến bạn không đạt được phần thưởng như mong muốn ban đầu. Thường thì để un-stake bạn cũng sẽ phải mất 1 khoảng thời gian để lấy lại số coin đã mang đi stake. Đôi khi thời gian này cũng đủ để cơ hội trôi qua.

    Không phải lúc nào Staking cũng có lời. Rủi ro lớn nhất có thể gặp phải là giá coin giảm.

    Ví dụ: Bạn có $1000, đem đi stake 1000 coin X (giá $0.1/X) với lãi suất là 30%/năm. Tới khi anh em nhận lãi thì tổng số coin nhận được sẽ là 1300 coin X. Nhưng nếu giá chỉ còn $0.07/X thì tổng giá trị lúc này còn $91 đô la (thấp hơn $100 đô la đầu tư ban đầu).

    IV – Các thông số cần chú ý khi Staking Coin

    1. Tỉ lệ lạm phát

    Đây là tỉ lệ coin mới sinh ra so với lượng coin đang được lưu hành.

    Trong Staking của cơ chế PoS, phần thưởng cho các staker đến từ 2 nguồn là phí giao dịch và block mới được sinh ra. Tức là, sẽ có lượng coin mới được sinh ra đưa vào thị trường sinh ra lạm phát.

    Tỉ lệ lạm phát này ảnh hưởng trực tiếp tới lượng lưu thông và giá của đồng coin đó. Đối với các coin có cơ chế PoS thì tỉ lệ lạm phát này luôn luôn có.

    2. Thời gian lock

    Đây là thời gian mà coin bị lock. Thời gian này thường có thể chọn ngay từ đầu. Ví dụ: 1 tháng, 3 tháng, hay 1 năm… Sau khoảng thời gian này bạn mới có thể nhận lại lượng coin đã tham gia stake.

    Với các Node hoặc MasterNode tham gia stake thường xác định lock luôn trong suốt thời gian làm Node. Trong thời gian ấy, họ nhận reward làm nguồn thu.

    Thời gian unlock

    Phần lớn dự án đều có thể un-stake trước khi kết thúc quá trình stake. Tuy nhiên, bạn sẽ không thể nhận lại coin ngay sau khi nhấn nút “un-stake” mà thường sẽ phải mất 1 khoảng thời gian nhất định.

    Các dự án tạo ra quy tắc này để việc un-stake không ảnh hưởng tới hoạt động bình thường của mạng lưới và họ có thời gian xử lý nếu lượng coin un-stake quá lớn.

    Ví dụ: Trong TomoChain, các voter cho Masternode nếu muốn unstake sẽ nhận được sau 48h. Còn đối với Masternode muốn dừng hoạt động, họ sẽ chỉ nhận được TOMO sau 30 ngày.

    3. Lãi suất Staking

    Đây là tỉ lệ lãi bạn được nhận sau 1 khoảng thời gian Staking. Con số này càng lớn thì lượng coin nhận được sau khi stake càng lớn.

    Tuy nhiên, để tối ưu nhất thì ngoài con số lãi suất cao chúng ta còn cần quan tâm tới các chỉ số khác nữa.

    4. Số lượng tối thiểu để tham gia stake

    Đây là lượng coin tối thiểu để 1 user có thể bắt đầu tham gia Staking. Tuỳ vào từng dự án mà con số này có thể khác nhau.

    Ví dụ: TomoChain yêu cầu 100 TOMO, Decred (DRC) cần tối thiểu 5 DRC để bắt đầu Staking.

    5. Độ tuổi coin

    Là khoảng thời gian coin được đem vào stake cho đến lúc nó có thể tham gia việc Staking chính thức (thời gian mà coin bắt đầu sinh lời). Tuỳ vào từng dự án, thời gian này có thể từ vài giờ tới vài ngày.

    6. Weight (Độ tuổi coin và số lượng coin)

    Weight bao gồm độ tuổi coin và số lượng coin. Có thể hiểu nó như sức nặng của coin.

    Giá trị Weight này càng cao (lượng coin càng lớn và thời gian coin tham gia stake càng lâu) thì khả năng giành được quyền xử lý giao dịch và tạo khối càng lớn. Vì vậy, nó ảnh hưởng trực tiếp tới reward (phần thưởng) mà bạn sẽ nhận được trong tương lai.

    V – Cách để tối ưu lợi nhuận khi Staking?

    Dựa trên các thông số ảnh hưởng trực tiếp tới Staking kể trên, bạn có thể phần nào biết được cách điều chỉnh các chỉ số này ra sao để thu được lợi nhuận cao nhất.

    Đầu tiên là phân loại theo nhu cầu và lượng coin nắm giữ:

    Với những người có số lượng coin nhỏ (không đủ làm một Node hoặc Masternode):

    • Phương án tốt nhất là tham gia voting, hoặc Staking vào các Node đã có sẵn để nhận reward từ Nodes đó. Hình thức này bao gồm Staking ngay trên ví, hoặc trên một số sàn hỗ trợ.
    • Với những người có lượng coin nhỏ, xác định hold lâu dài, thì việc Staking sẽ giúp họ kiếm thêm 1 lượng coin trong khoảng thời gian đó.

    Với những người tích trữ số lượng coin lớn:

    • Họ cũng có thể áp dụng cách trên nếu muốn linh hoạt trong quá trình lock coin. Hoặc có thể ứng cử làm các Node hoặc Masternodes trực tiếp tham gia xử lý giao dịch và tạo khối.
    • Cách này sẽ giúp người staker nhận nhiều reward hơn. Nhưng tất nhiên cũng sẽ yêu cầu cao hơn về cài đặt và kết nối phần cứng.

    Các bước thực hiện

    Với cả 2 nhóm trên, đều cần thực hiện các bước sau:

    • Bước 1: Chọn loại coin có cơ chế Staking. Tất nhiên, trước khi chọn cần xem xét các thông số nhắc tới ở phần trên, để cân đối với nhu cầu, khoản vốn, kỳ vọng và mong muốn lãi suất của mình.
    • Bước 2: Cài đặt ví hoặc cấu hình máy tính để chuẩn bị cho việc Staking.
    • Bước 3: Nạp coin vào ví/máy tính hoặc sàn để bắt đầu Staking. Đối với các ví lạnh, bạn phải luôn đảm bảo ví này được kết nối với môi trường mạng 24/7.
    • Bước 4: Chờ coin trưởng thành và bắt đầu nhận lãi.

    VI – Những đồng coin staking có lợi nhuận tốt nhất ở thời điểm hiện tại

    Đầu tiên là top 4 dự án có giá trị tài sản được khóa lại nhiều nhất theo bảng xếp hạng của stakingreward.com ngày 28/10/2021.

    Đây là danh sách được sắp xếp bao gồm các dự án Blockchain nền tảng sử dụng cơ chế PoS và các dự án xây dựng trên nền tảng Blockchain khác. Nhưng cũng cho phép người dùng stake để nhận reward (Profit Share).

    1. Solana (SOL)

    Solana là nền tảng blockchain mã nguồn mở có hiệu suất cao với có khả năng mở rộng lên đến 700,000 số lượng giao dịch xử lý trong mỗi giây và thời gian khối 400ms, mà không cần áp dụng các giải pháp phức tạp như Sharding (phân mảnh cơ sở dữ liệu) hay Layer 2.

    SOL là đồng coin chính thức của Solana Blockchain. Rủi ro khi Staking SOL gần như bằng 0.

    Website Solana: solana.com

    2. Cardano (ADA)

    Cardano là một Blockchain nền tảng công nghệ nổi bật với khả năng mở rộng cao, khả năng tương tác tốt và tính bền vững để cân bằng lợi ích giữa miner/node với đội ngũ phát triển.

    ADA là đồng tiền điện tử chính thức của Cardano. Cho đến nay (13/08/2021) đã có 13,8 tỷ ADA được dùng để làm phần thưởng staking cho những người tham gia stake ADA.

    Website Cardano: cardano.org

    3. Ethereum 2.0 (ETH)

    Ethereum 2.0 là đích đến cuối cùng của mạng lưới Ethereum trong quá trình nâng cấp từ cơ chế đồng thuận Proof of Work (PoW) sang Proof of Stake (PoS), đồng thời áp dụng Sharding nhằm mục đích nâng cao tốc độ xử lý giao dịch của Ethereum.

    ETH hay Ether (ký hiệu: Ξ) là đồng tiền điện tử chính thức của chuỗi khối Ethereum. Trong mạng lưới của Ethereum, ETH có vai trò như nhiên liệu để thực thi các hoạt động liên quan đến giao dịch (phí Gas).

    Để stake ETH, bạn cần phải có:

    • Tối thiểu 32 ETH cho mỗi trình xác thực (validator).
    • Máy tính có đủ thông số kỹ thuật phần cứng.
    • Kết nối Internet mạnh.
    Website Ethereum: ethereum.org

    4. Polkadot (DOT)

    Polkadot là một nền tảng Blockchain hay công nghệ đa chuỗi (multi-Chain), không đồng nhất và có khả năng mở rộng cao. Polkadot cho phép các Blockchain kết nối với nhau để chia sẻ dữ liệu và tạo thành một Network phi tập trung.

    DOT là đồng coin chính thức của Blockchain Polkadot.

    Website Polkadot: polkadot.network

    Ngoài ra, bạn cũng có thể tham khảo thêm một số đồng coin được staking nhiều hiện nay như: Binance Smart Chain (BNB), Algorand (ALGO), Avalanche (AVAX)…

    VII – Xu hướng Staking trong tương lai

    1. Staking để cạnh tranh Node, Masternode

    Xu hướng này rất rõ ràng và đang diễn ra. Rất nhiều Blockchain nền tảng ra mắt gần đây đã sử dụng cơ chế đồng thuận Staking.

    Việc cạnh tranh xảy ra chủ yếu với những người muốn tham gia giữa các vị trí Nodes hoặc Masternodes trong mạng lưới Blockchain. Còn với những người chỉ cần Staking vào các nodes này và nhận thưởng thì đơn giản hơn rất nhiều.

    1. Staking ngay trên các ví

    Đây là 1 xu hướng đã bắt đầu và phát triển từ cuối 2018. Các ví có sẵn lượng user lớn và đồng coin của họ tích trữ trên đó. Thường ví sẽ kết hợp với các dự án có Staking để cho phép khoá coin và stake ngay trên ví của họ.

    Một số ví đang hỗ trợ việc này gồm: Ví Cobo, Haskey Wallet, Trust Wallet, Coinomi, Crypto…

    Các đồng coin được ví Trust hỗ trợ staking

    2. Các dịch vụ Staking bên thứ 3

    Tại đây, những người sở hữu coin có thể gửi coin của họ tới Staking Pool của các bên thứ 3 này. Họ sẽ dùng lượng coin đó để ứng cử thành 1 node trong mạng lưới Blockchain và trả thưởng tương ứng với những người tham gia đóng góp.

    Ví dụ như: stakewith.usstake.capitalP2P.orgmycontainer

    3. Staking trên các sàn giao dịch

    Đơn giản là bạn hold/trade coin trên 1 sàn nào đó hỗ trợ tính năng này sẽ được tính là tham gia Staking và nhận phần thưởng. Lượng coin này vẫn nằm trong ví trên sàn của bạn và nó không trực tiếp theo giá và quá trình tạo khối hay xác thực giao dịch gì cả.

    Ví dụ: Thời gian vừa rồi, cả Binance và Kucoin đều đẩy mạnh chiến dịch này, lượng đồng coin được hỗ trợ ngày càng tăng lên.

    • Binance: XML, KMD, ALGO, QTUM, STRAT.
    • Kucoin với chương trình Soft Staking: ATOM, EOS, TRX, IOST, NEBL, ONION, NGR, NULS, TOMO, LOOM.

    Cách thức này sẽ tạo động lực cho các user của sàn khi vừa có thể tham gia trading trên sàn, vừa nhận thêm được lượng coin mới mà không cần phải khoá coin trong 1 thời gian dài. Đây có thể sẽ là xu hướng mới của Staking trong thời gian tới.

    4. Dự án mở khóa thanh khoản

    Dễ thấy nhược điểm của Staking sẽ làm bạn bị giam vốn trong suốt thời gian Stake. Do đó, có rất nhiều dự án ra đời để giải quyết tình trạng này.

    Không phải cái tên đầu tiên trong lĩnh vực này, nhưng Lido là dự án nổi tiếng nhất với việc hỗ trợ Stake ETH 2.0. Người dùng có thể nhận lại được tài sản tương ứng là stETH trong khi vẫn có thể gửi ETH vào Stake. stETH vẫn có thể được giao dịch, vay mượn bình thường, chỉ có điều không phải chỗ nào cũng chấp nhận stETH.

    Trong khoảng 2021 – 2022, các dự án bắt đầu tập trung đấu giá cho Parachain trên Kusama và Polkadot. Điều này đòi hỏi phải khóa một lượng rất lớn KSM và DOT. Từ đó hình thành nên các dự án hỗ trợ mở khóa thanh khoản cho KSM và DOT như cách Lido làm với ETH, đó là Stafi.

    VIII – Các câu hỏi thường gặp về Staking?

    1. Tìm hiểu về Staking ở đâu?

    Như mình đã nhắc ở trên, hiện nay Staking đang rất phổ biến và dễ dàng tham gia trên cả sàn hoặc ví. Tuy nhiên, trước khi chính thức tham gia hình thức này, bạn nên tìm hiểu thêm về nó.

    Dưới đây là một số kênh thông tin mà bạn có thể tham khảo:

    • stakingrewards.com: Đây là trang tổng hợp số liệu của pool staking khác. Anh em có thể vào đây để check các thông tin về lãi suất, thời gian stake, số lượng tối thiểu, đồng thời so sánh được các pool staking với nhau.
    • vietnamstaking: Group chat thảo luận của cộng đồng Staking Việt Nam.

    Ngoài ra, hiện tại các sàn đã có luôn một chuyên mục về Staking, bạn có thể vào đó để tìm hiểu tài sản nào đang được hỗ trợ Staking trên sàn, APR bao nhiêu, thời gian khóa,…

    2. Làm thế nào để so sánh phần thưởng staking coin?

    Bạn có thể truy cập trực tiếp vào website của dự án mà mình muốn Staking để tìm thông tin, hoặc lên trang stakingreward.com để tìm kiếm.

    3. Cấu hình máy như thế nào để Staking coin?

    Mỗi một đồng coin lại yêu cầu 1 cấu hình phần cứng khác nhau để Staking. Tuy nhiên, việc cần 1 máy tính với VPS riêng để Staking thường dành cho các Node hoặc Masternode.

    Còn với các nhà đầu tư nhỏ lẻ muốn linh hoạt lượng coin của mình, mà vẫn muốn tham gia stake thì không cần phải quá quan tâm tới cấu hình máy, vì bạn có thể stake ngay trên các ví hoặc sàn.

    4. Nếu không muốn stake mà rút coin ra có được không?

    Được. Bạn hoàn toàn có thể ngưng stake giữa chừng. Tuy nhiên, đây là việc không được khuyến khích trừ phi lý do bất khả kháng. Khi ngưng stake giữa chừng, bạn không chỉ không nhận được đầy đủ phần thưởng, mà còn mất 1 khoảng thời gian nhất định để nhận lại số coin đã stake.

    5. Có nên mua VPS để stake?

    Có. Nên dùng giải pháp VPS để Staking ổn định hơn và dễ dành quyền xử lý giao dịch, tạo khối hơn.

    Giải pháp này phù hợp với những người Staking số lượng lớn để thành Node, Masternode.

    6. Staking Pool là gì? Người có số lượng coin ít nhưng vẫn muốn stake để kiếm lời thì làm thế nào?

    Staking Pool được hiểu là nhiều người có thể cùng tham gia đóng góp lượng coin của họ vào trong Pool đó để trở thành 1 Node hay 1 Masternode.

    Khi các Nodes hay Masternodes này chính thức hoạt động trong mạng lưới, phần thưởng sẽ được chia lại 1 phần cho những người tham gia Pool kể trên. Lượng phần thưởng họ nhận được sẽ tỉ lệ với lượng coin Staking.

    Nhưng dần, Staking Pool có thể được hiểu rộng hơn là những dự án phi tập trung hỗ trợ Staking như Lido hay Stafi đã đề cập ở trên.

    Most Popular

    Related Posts