More

    Vượt mặt Trung Quốc, Mỹ trở thành trung tâm khai thác Bitcoin lớn nhất thế giới

    Sau khi Chính phủ Trung Quốc tăng cường các biện pháp siết chặt quản lý tiền điện tử, quốc gia này đã không còn là trung tâm khai thác Bitcoin lớn nhất thế giới nữa.

    Theo dữ liệu nghiên cứu của Đại học Cambridge (Anh), thị phần của Trung Quốc trong “sức mạnh” tính toán, giải thuật toán của các máy tính được kết nối với mạng Bitcoin toàn cầu, đã giảm xuống 0% vào tháng 7 năm nay, từ mức 44% vào tháng 5 và 75% vào năm 2019.

    Từ tháng 6/2021, Chính phủ Trung Quốc cấm mọi hoạt động khai thác và kinh doanh Bitcoin, trong bối cảnh giới chức nước này trong thời gian dài đã quan ngại về những rủi ro tài chính từ các loại tiền điện tử. Điều này đã buộc các thợ đào phải đóng cửa hoặc chuyển ra nước ngoài.

    Một mỏ đào bitcoin ở Trung Quốc.

    Hoạt động khai thác ở nhiều quốc gia khác tiếp tục trì trệ do các nhà sản xuất thiết bị chuyển hướng sang Bắc Mỹ và Trung Á. Trong khi đó, hàng loạt công ty khai thác lớn ở Trung Quốc phải rời đi và đang gặp khó khăn trong quá trình di chuyển. Nhờ đó, Mỹ vươn lên dẫn đầu thị phần với chỉ số hashrate (chỉ số về năng lực khai thác) 35,4% trong tháng 8, xếp sau đó là Kazakhstan và Nga.

    Việc khai thác Bitcoin dựa trên các hệ thống máy tính công suất cao và tiêu tốn nhiều điện năng. Tuy nhiên, Chính phủ nhiều nước vẫn chấp nhận và thậm chí ủng hộ hoạt động này, trong khi chính quyền Trung Quốc lại đưa ra quy định nghiêm ngặt hơn về việc khai thác và giao dịch Bitcoin hồi tháng trước, do lo ngại vấn đề khai thác tiền điện tử sẽ gây ảnh hưởng đến các mục tiêu môi trường cũng như tiêu tốn quá nhiều điện. Vào năm 2019, Trung Quốc thậm chí là nơi chiếm đến 75% mức tiêu thụ năng lượng đào Bitcoin trên toàn thế giới.

    Thông tin từ Coindesk cho biết, các thợ đào coin đang di cư khỏi Trung Quốc và tìm đến những nơi có giá điện rẻ trên thế giới để tiếp tục công cuộc khai thác tiền điện tử. Kazakhstan – nước láng giềng của Trung Quốc đang là điểm đến lý tưởng. Các mỏ than Kazakhstan đem đến nguồn năng lượng dồi dào, giá rẻ. Việc di chuyển thiết bị qua biên giới Trung Quốc sang Kazakhstan cũng không quá khó khăn.

    Chính phủ Kazakhstan đã thông qua luật cho phép khai thác tiền số vào tháng 9/2020. Bộ trưởng Phát triển kỹ thuật số Bagdat Mussin đã công bố kế hoạch 3 năm để thu hút 714 triệu USD đầu tư vào lĩnh vực này. Ngoài ra, bang Texas (Mỹ) rất ủng hộ tiền điện tử. Đây là nơi có giá điện thuộc loại thấp trên thế giới. Để mở một công ty đào tiền điện tử tại đây, chỉ cần 30 – 40 triệu USD là có thể lập nghiệp.

    Mỹ đã trở thành trung tâm khai thác Bitcoin lớn nhất thế giới, sau khi các thợ đào “tháo chạy” khỏi Trung Quốc vì các lệnh siết chặt quản lý.

    Mới đây, bang Kentucky (Mỹ) cũng vừa thông qua luật giảm thuế cho thợ đào tiền điện tử. Các nhà đầu tư hơn 1 triệu USD vào thiết bị sẽ được hưởng các ưu đãi năng lượng sạch. Thống đốc bang Kentucky hy vọng việc thu hút những thợ đào coin sẽ giúp tăng doanh thu và cơ hội việc làm cho những người dân bang này.

    Bên cạnh đó, Thị trưởng thành phố Miami, bang Florida (Mỹ), cũng tiết lộ kế hoạch cung cấp năng lượng hạt nhân giá rẻ cho các thợ đào tiền điện tử. Miami còn xem xét ưu đãi thuế cho hoạt động khai thác tiền mã hóa.

    Most Popular

    Related Posts