More

    22 Sự kiện nổi bật của thị trường tiền số năm 2022

    Cryptory.net - 2022 là một năm vô cùng đáng nhớ của thị trường tiền điện tử nói chung. Hãy cùng Cryptory điểm lại các sự kiện nổi bật nhất của năm vừa qua trong bài viết ngày hôm nay.

    2022 là một năm vô cùng đáng nhớ của thị trường tiền mã hóa. Dù xu hướng chung đi xuống nhưng ngược lại thị trường lại vô cùng sôi động với hàng loạt sự kiện diễn ra. Tầm ảnh hưởng của những diễn biến này sẽ còn kéo dài nhiều năm sau nữa, định hình nên một thế giới crypto nhiều màu sắc.

    Hãy cùng Cryptory điểm lại các sự kiện nổi bật nhất của năm vừa qua trong bài viết ngày hôm nay.

    1. Scandal của CFO Wonderland (TIME)

    Wonderland (TIME) là dự án “copy” mô hình của Olympus DAO (OHM) và vận hành trên Avalanche. Dự án được thành lập bởi Daniele Sestagalli – “ngôi sao đang lên” của ngành DeFi khi đó vì là nhà sáng lập của Abracadabra, Popsicle Finance và liên minh “Frog Nation”, thậm chí còn có lúc đề xuất mua lại sàn DEX SushiSwap từng nổi một thời. Nhóm các dự án mới này từng được gọi với cái tên là “DeFi 2.0“.

    Nhân vật chủ chốt thứ hai của Wonderland là “Giám đốc Tài chính” có tài khoản Twitter là 0xSifu. Việc ẩn danh là điều thường thấy trong thị trường crypto. Việc này sẽ chẳng có gì đáng nói cho đến khi 0xSifu bị một thành viên cộng đồng crypto là ZachXBT “bóc” ra danh tính thật là Michael Patryn – đồng sáng lập của sàn giao dịch tiền mã hóa QuadrigaCX của Canada.

    Michael Patryn - Founder and Chairman of Fintech Ventures Group
    Michael Patryn

    QuadrigaCX là sàn giao dịch vô cùng tai tiếng sau khi cuỗm đi 190 triệu USD tiền của người dùng với lý do là CEO đột tử, thậm chí FBI cũng tham gia điều tra. Cái tên Michael Patryn cũng có quá khứ “bất hảo” với tiền án lừa đảo. Vụ QuadrigaCX đã nổi tiếng đến mức Netflix cũng làm hẳn một bộ phim tài liệu ngắn thuật về lịch sử sụp đổ của sàn.

    Việc một dự án nổi bật của trào lưu DeFi 2.0 có thành viên mang danh “lừa đảo” như vậy dĩ nhiên sẽ làm ảnh hưởng rất nhiều, làm nhà đầu tư phải tự hỏi về mức độ tin cậy của Wonderland. Scandal nhanh chóng càn quét phân khúc, đẩy giá của hầu hết các đồng coin thuộc nhóm DeFi 2.0 “sập hầm”.

    2. Andre Cronje rời ngành crypto

    Nếu 2020 và 2021 giúp xây dựng nên hình tượng “Bố già DeFi” cho Andre Cronje với hàng loạt những dự án dẫn dắt lĩnh vực Tài chính Phi tập trung, thì chỉ trong 3 tháng đầu năm 2022 ngắn ngủi, một loạt các biến cố đã làm xóa nhòa đi tất cả.

    Thăng trầm của thứ văn hóa crypto - Tâm thư từ bố già Defi Andre Cronje
    Andre Cronje

    Mọi chuyện bắt đầu với Solidly, AMM trên Fantom được Cronje giới thiệu là đi theo mô hình ve(3,3) “tân tiến”. Và như thường lệ, hễ là dự án DeFi nào có “dính líu” đến Andre đều được cộng đồng đặc biệt chú ý. Solidly nhanh chóng nhận được lượng tiền dồi dào đổ vào giao thức, khiến TVL của Fantom từ tháng 12/2021 (thời điểm công bố Solidly) đến tháng 03/2022 (lúc Solidly ra mắt) đã tăng từ 3 tỷ USD lên 8 tỷ USD.

    Nhưng rồi, cộng đồng đã phát hiện ra một lỗi… khá ngớ ngẩn trong những dòng code. Đúng theo ghi trên comment của code, mức Base Emission Rate (tạm hiểu là mức phát thải ban đầu của token SOLID) là 2%. Tuy nhiên, có thể là việc đội ngũ quên lấy 1 trừ đi giá trị này, khiến con số được triển khai thực chất lên đến 98%.

    Thật sự đây là một lỗi không nên xảy ra. Nếu người code cẩn thận rà soát hơn, thì có lẽ đã không có bug ấy.

    Và người code ở đây là ai? Chính là Andre Cronje!

    Với nhiều vấn đề phát sinh như vậy, Andre Cronje là người chịu nhiều chỉ trích. Vị trưởng dự án sau đó có động thái… “nghỉ chơi Twitter”, để lại cộng đồng không biết hướng nào để tiếp tục đồng hành với Solidly. Rồi vài ngày sau, Andre đã có quyết định làm dậy sóng toàn bộ thị trường khi tuyên bố “rời ngành” DeFi, ngừng cống hiến cho 25 dự án.

    Ngay lập tức, giá token của những dự án mà Andre Cronje tham gia phát triển đã dump mạnh, khi nhiều người chỉ trích hành động rời đi đột ngột của vị “bố già DeFi” không khác gì “rug pull”, tức lừa đảo cộng đồng khi họ đã đặt rất nhiều niềm tin vào Solidly và mô hình ve(3,3) trong thời gian qua.

    Tua nhanh đến hết năm, Andre thi thoảng lại xuất hiện trên Twitter, comment vài dòng, viết vài bài blog và một vài lần “lộ hint” sẽ quay trở lại. Những hành động này dù làm cộng đồng khá “ngán ngẩm” nhưng vẫn được một bộ phận “fan cứng” chờ đón. Vì suy cho cùng, Andre Cronje vẫn là một trong những nhân vật “cộm cán” và có nhiều đóng góp nhất.

    3. FBI bắt giữ cặp vợ chồng liên quan đến vụ hack Bitfinex 2016

    Ngày 09/02/2022, Bộ Tư pháp Mỹ thông báo đã tịch thu 3,6 tỷ USD Bitcoin (94.000 BTC) bị đánh cắp trong vụ hack sàn Bitfinex vào năm 2016, đồng thời bắt giữ hai nghi phạm có liên quan là cặp vợ chồng Ilya Lichtenstein – doanh nhân công nghệ và Heather Morgan – doanh nhân, chuyên gia bảo mật.

    Ilya Lichtenstein và Heather Morgan

    Tuy nhiên, theo cáo trạng, cặp vợ chồng này bị cáo buộc có “âm mưu rửa tiền”, nhưng không rõ có phải là hacker trực tiếp tấn công sàn Bitfinex hay không.

    Tin tức trên một lần nữa làm hình ảnh của thị trường crypto càng thêm tiêu cực trong mắt đại chúng. Hai nhân vật chính thì đang bị chính quyền Mỹ tạm giam để chờ ngày xét xử trước tòa.

    4. Crypto và xung đột Nga – Ukraine

    Năm 2022, thế giới chứng kiến cuộc xung đột Nga – Ukraine làm ảnh hưởng đến mọi mặt trong đời sống. Và crypto cũng không là ngoại lệ.

    Khi xung đột Nga – Ukraine nổ ra, giá BTC chịu ảnh hưởng nghiêm trọng, “bay nhảy” ngoài dự đoán thường thấy. Mức độ biến động của BTC trong thời gian này được ví như “tàu lượn siêu tốc”, kéo theo nhiều đợt thanh lý khủng trên các sàn giao dịch.

    Điểm nhấn quan trọng hơn là tiền mã hóa được giới chức Ukraine lựa chọn trở thành phương thức kêu gọi quyên góp trên toàn thế giới. Từ khi Ukraine lập website quyên góp tiền mã hóa chính thức, rất nhiều người trong lẫn ngoài cộng đồng gửi từng đồng coin đến ủng hộ nước này. Ngay cả Vitalik Buterin “âm thầm” quyên góp 5 triệu USD cho Ukraine. Sau đó, Ukraine ra mắt bộ sưu tập NFT “bảo tàng chiến tranh” với Nga càng chứng tỏ tính hữu dụng và thiết thực của lĩnh vực này.

    5. Bản án Tornado Cash

    Thời gian trước đây, đã có nhiều trường hợp các dự án crypto phải đối mặt với giới chức quản lý, chẳng hạn như Ripple bị SEC kiện hay chính quyền New York chống lại Bitfinex-Tether.

    Tuy nhiên, vụ việc Mỹ liệt website Tornado Cash vào danh sách trừng phạt là trường hợp đầu tiên chúng ta chứng kiện việc đối chọi gay gắt giữa sự kiểm soát của chính phủ một nước với tinh thần đề cao phi tập trung và quyền riêng tư của tiền mã hóa.

    6. Elon Musk và Twitter

    Nếu những năm trước Elon Musk thể hiện sự “chấp nhất” với Bitcoin và crypto, thì năm 2022 đến lượt Twitter.

    Elon Musk thành công mua đứt Twitter với giá 44 tỷ USD

    Trong năm 2022, Elon Musk đã đưa cả thế giới “đi tàu lượn” vì khi thì tuyên bố chuẩn bị mua lại công ty Twitter, rồi đột ngột “hủy kèo”, chỉ trích rồi lại quyết tâm mua cho bằng được. Đến nay khi chỉ mới vừa nhậm chức CEO Twitter chưa được nhiều tháng, Elon Musk thể hiện ý định tìm nhà điều hành mới cho Twitter.

    Những sự kiện này có lẽ chỉ ảnh hưởng đến thị trường đến tài chính truyền thống… nếu đó không phải là Twitter. Đây là mạng xã hội gần như là “ngôi nhà” của cộng đồng crypto toàn cầu, nên những diễn biến với công ty chủ quản đều bị chú ý. Hơn nữa, Elon Musk lại có “tình sử nhập nhằng” với crypto nên thương vụ M&A này tự nhiên ảnh hưởng đến toàn lĩnh vực.

    7. Câu chuyện pháp lý Mỹ

    Pháp lý tiền mã hóa tại Mỹ vẫn luôn là đề tài được quan tâm nhất nhì trong cộng đồng. Bởi lẽ, với cương vị là cường quốc hàng đầu thế giới, những quy tắc mà Mỹ áp dụng với crypto sẽ được các nước khác thảo luận và tham khảo.

    May mắn thay, giới chức Mỹ không có ý định cấm triệt để như Trung Quốc, mà thay vào đó muốn đưa crypto vào khuôn khổ quản lý phù hợp. Đặc biệt trong năm 2022, Mỹ thể hiện sự quyết tâm cao độ khi hàng loạt những dự luật, quy định liên quan đến ngành lần lượt xuất hiện.

    Hiện tại, thật khó để tổng hợp một quy phạm pháp lý rõ ràng vì chính bản thân giới chức Mỹ vẫn chỉ đang soạn thảo và nghiên cứu các hướng giải quyết. Một số diễn biến chính có thể kể đến như sau:

    – Ngày 09/03/2022, website của Nhà Trắng đã đăng tải bài viết tóm tắt mệnh lệnh hành pháp về tài sản kỹ thuật số của Tổng thống Biden. Mệnh lệnh chỉ đạo các cơ quan liên bang đẩy mạnh quá trình nghiên cứu các khía cạnh của lĩnh vực tiền mã hóa với mục tiêu cuối cùng là xây dựng một bộ khung quản lý hoàn chỉnh.

    – Tháng 09/2022, chính quyền Mỹ ban hành hướng dẫn mới về quản lý crypto. Đây được xem là hướng dẫn đầy đủ đầu tiên về các quy định cho lĩnh vực tiền mã hóa với một số điểm chính như:

    • Mỹ để ngỏ khả năng phát hành CBDC;
    • Stablecoin vẫn bị xem là thách thức đối với hệ thống tài chính. Và việc này càng nghiêm trọng hơn sau vụ sụp đổ LUNA-UST. Thậm chí gần đây có dự luật quản lý stablecoin đề xuất cấm stablecoin thuật toán kiểu UST;
    • Các cơ quan có liên quan sẽ tăng cường giám sát thị trường tiền mã hóa.

    – Nhiều dự thảo luật quản lý crypto được đệ trình lên Quốc hội như các dự luật về quản lý toàn ngành crypto, dự luật trao quyền quản lý crypto cho CFTC và hạn chế sự mở rộng của DeFi do cựu CEO FTX Sam Bankman-Fried cố vấn. Ngoài ra còn có đề xuất đánh thuế “nhà môi giới” crypto đang chờ được Bộ Tài chính Mỹ làm rõ phạm vi áp dụng.

    (Còn tiếp)

    Tham gia cộng đồng của chúng tôi để cùng bàn luận và cập nhật những thông tin Crypto mới nhất:

    Most Popular

    Related Posts